Chúng Ta Đều Muốn Thấy Mình Cười

 


Ai đó đã nói rằng sách có khả năng chữa lành tâm hồn. Tôi cũng từng tin vào điều đó, nhưng sau một thời gian thử nghiệm, tôi nhận ra đúng hơn là chúng có thể tạo thành những căn phòng cho tôi trốn vào một lúc, để cơ thể kịp băng bó tổn thương mà những trận đòn roi để lại.

Cũng có những cuốn sách mà chỉ cần nhìn đến tựa đề tôi đã không thể đọc tiếp được nữa. Ví dụ như “Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ” của bác Nguyễn Nhật Ánh. Giả như có cuốn “Cho Tôi Xin Một Cách Xóa Đi Tuổi Thơ” thì chắc tôi sẽ chụp lấy mà ngấu nghiến nhỉ? Tôi cũng không rõ nữa. Thế mà, trong khoảng thời gian tôi muốn quên đi mãi mãi ấy lại xuất hiện một người bạn tôi không muốn quên. Người đó đã đưa viên kẹo mút duy nhất cho tôi, nắm tay kéo tôi ra khỏi ống bê tông ở góc trường.

Mẹ bỏ đi khi tôi còn rất nhỏ, tôi là con một trong nhà, gia đình lại xa cách họ hàng nên không một ai biết tôi bị bạo lực. Càng không ai nghi ngờ ông bố “công sở” ngày ngày ăn mặc chỉnh chu, đi sớm về khuya lại là một kẻ vô đạo đức như thế. Tôi lúc đó càng không biết kêu ai, hay đúng hơn là không biết mình đang bị hành hạ. Tôi đã từng coi những điều đó là hiển nhiên. Cho đến lúc bác ruột của tôi giành được quyền giám hộ, tôi có một nơi để ẩn náu đúng nghĩa, bác còn cho tôi đến trường. Năm ấy tôi bảy tuổi, đi học trễ hơn mọi người một năm.

Khoảng thời gian đó tôi rất sợ người khác lại gần nên thường ru rú trong góc lớp. Mấy đứa trẻ cũng chẳng hiểu cái gì gọi là cảm thông, bọn chúng gọi tôi là khủng long vì khắp người là những vết đốt do tàn thuốc để lại, thật sự rất giống những cái gai đã bị nhổ đi. Chúng không dám lại gần tôi, không phải vì sợ, mà là vì ghét, chúng nghĩ tôi là kẻ xấu như trong mấy bộ phim siêu nhân thời đó.

Một hôm trời âm u vì một cơn bão sắp đổ bộ, chỗ tôi ở là miền Tây Nguyên nên không ảnh hưởng mấy, chúng tôi vẫn đến trường như thường lệ. Đến nơi tôi phát hiện bàn ghế của mình đã được bọn nhóc “đồng tâm hiệp lực” nhét vào một ống bê tông đang chuẩn bị dùng vào công trình của trường. Tôi lầm lũi đi tìm lại bàn ghế, vì cố kéo chúng ra ngoài mà tay xước từng mảng. Trời đổ mưa, một mình tôi đứng trong góc sân lạnh lẽo. Tôi không hay khóc ở nơi có quá nhiều ánh sáng, nhưng hôm đó thực sự tôi không kìm lại được nữa. Tôi không muốn trở về lớp học nữa!

Tôi muốn ở lại trong ống nước này mãi mãi.

Lớp bị khiển trách, thầy cô lục tung mọi ngóc ngách để tìm tôi nhưng cuối cùng chỉ một mình cậu ấy tìm được. Cậu ấy nhỏ hơn tôi một tuổi, tên là An, cũng là đứa trẻ hay cười nhất trong lớp. Hôm ấy trong cơn mưa tầm tã, cậu ấy mặc chiếc áo mưa màu vàng trông ngồ ngộ như một con vịt nhỏ đáng yêu. An vội vàng chui vào ống bê tông mặc biểu cảm bài xích của tôi. Cậu bé xoa xoa hai tay vào với nhau, đôi mắt to tròn lanh lợi chớp chớp: “Sao cậu tìm được chỗ này hay quá vậy? Bên ngoài bọn yêu quái rất đông!”

An làm bộ mặt căng thẳng nom thật nhập vai: “Toàn bộ bánh kẹo đã bị bọn chúng cướp hết, tớ chỉ còn duy nhất một cái kẹo này thôi, cho cậu đấy!”

Hôm đó… là lần đầu tiên tôi cười.

Tôi học cùng trường với An từ lớp một đến tận lớp mười hai, vì trong khu phố nhỏ của chúng tôi cũng chỉ có ba ngôi trường cho ba cấp. Từ hôm ở trong ống bê tông đi ra ngoài, An đã không biết cậu ấy quan trọng với tôi như thế nào. Tôi cũng chỉ có thể lặng lẽ theo dõi cậu ấy, bởi vì, tôi sợ nụ cười của An sẽ bớt rạng rỡ nếu ở gần bóng tối của tôi. Kì thi đại học cũng đến, tôi âm thầm biết được cậu ấy sẽ thi vào đại học ngoại ngữ, rất hợp với tính cách hòa đồng của cậu ấy. Còn tôi quyết định đi học nghề, tôi không thể miễn cưỡng mình thêm nữa.

Bốn năm tôi ở lại quê hương, An học tại Sài Gòn hoa lệ. Tôi không còn cách nào khác là theo dõi cậu ấy trên Facebook. Không biết từ bao giờ nụ cười của cậu ấy là thứ duy nhất khiến thế giới này trở nên ấm áp. Một đêm tôi tự hỏi, vì sao An có thể vui vẻ mãi như vậy? Cậu ấy thực sự không bao giờ có chuyện buồn ư? Nhìn những bức ảnh hay dòng trạng thái của cậu ấy mà xem, thật đáng ngưỡng mộ!

Tôi biết chuẩn bị tới ngày An tốt nghiệp nên quyết định vào Sài Gòn… để hỏi cậu ấy. Không hiểu sao đối với tôi điều này thực sự trọng đại, nhất định không thể hỏi qua loa bằng điện thoại được. Tôi nhắn tin cho cậu ấy như một người bạn cũ.

“An, tớ chuẩn bị vào Sài Gòn, có thể đến thăm cậu một lát không?”

Tin nhắn của tôi đã được xem, nhưng thật lâu sau mới có phản hồi: “Tất nhiên là được rồi, tớ đến đón cậu nhé?”

“Không cần đâu, cho tớ số điện thoại và địa chỉ chỗ cậu ở là được.”

An rất nhanh gởi thông tin tôi cần, sau cùng cậu ấy gởi một cái mặt cười kèm dòng chữ: “Tớ rất vui vì cậu chủ động liên hệ đấy, Phong.”

Lúc tôi đến nơi đã là buổi tối. Đây là lần đầu tiên tôi vào Sài Gòn nhưng không mấy khó khăn để tìm được chỗ của An. Bác xe ôm chở tôi vòng vèo qua rất nhiều con hẻm, cho đến lúc cả hai bác cháu lạnh sống lưng nép sát vào lề vì một đoàn xe đua phóng vụt qua. Bác có trấn an tôi, nhưng tôi không nghe thấy mấy lời sau đó nữa, vì trước mắt tôi là một bóng lưng rất quen, trang phục rất quen. Tôi nhớ ngay đến dòng trạng thái cách đây không lâu của An: “Nếu cứ mỉm cười như vậy mà chết đi thì thật tốt”. Kèm theo đó là một tấm hình mặc đồ đua, ôm mũ bảo hiểm một bên, cười rạng rỡ. Nếu lúc đó tôi nghĩ cậu ấy mong ước được hạnh phúc tới già, thì hôm nay lại trào lên một cỗ dự cảm hoàn toàn khác.

Và rồi…

Ầm!

Chiếc mô tô kia đâm sầm vào một trụ điện ở khúc cua, người văng xa đến bốn mét. Tôi không biết trái tim lãnh cảm của mình đã bao lâu rồi không đập mạnh như vậy. Tôi lao đến chỗ An. Đoàn đua kia không một ai dừng lại.

An khó nhọc lật ngửa người, kéo kính chắn gió, ánh mắt mơ hồ nhìn lên bóng đèn đường.

An nhìn tôi.

Lại cười.

Nhưng lần này, có một giọt nước mắt lặng lẽ rơi theo khóe mắt, mang tất cả cô đơn luồn vào tóc, chạy trốn khỏi thứ ánh sáng đang cố truy đuổi và vạch trần nó.

“Cậu bị điên rồi à?!” Tôi giận dữ quát lớn, tay vội bấm gọi xe cứu thương.

An lặng người đi, lí nhí: “Tớ đâu có sao.”

Như để chứng minh, cậu ta lảo đảo đứng dậy, chỉ vào một miếng da lớn bị rách nơi bắp tay, cười: “Chỉ hơi đau một chút thôi.”

Tôi bật ra một tiếng chửi thề rồi đưa An tới bệnh viện. Chiếc xe kia được bên công ty bảo hiểm tới thu xếp. An bị gãy hai xương sườn cùng rất nhiều vết thương ngoài da khác. Tôi nhìn cậu ta lặng lẽ nằm trên giường, ánh mắt vô định hướng ra ngoài trời đêm tăm tối, hình ảnh này quả thật rất không quen.

An như đoán được tất cả suy nghĩ của tôi, cậu ta mấp máy khóe môi: “Cuộc sống thật mệt mỏi.”

“Tớ đã không còn chịu nổi sức nặng của chúng nữa rồi, những cái mặt nạ ấy. Một mặt điên cuồng chạy trốn, một mặt buộc phải chấp nhận, và một mặt để cho người khác nhìn thấy.”

An quay đầu, chăm chú nhìn tôi: “Phong, tớ thực sự ngưỡng mộ cậu, cậu không bao giờ phải cố tỏ ra vui vẻ cả.”

Hóa ra, chúng ta đều phải trả giá để đổi được một nụ cười… cho người khác thấy. Bản ngã có một cơ chế hoạt động gọi là phản chiếu*, theo đó bản ngã không thể tự nhìn nhận hoặc đánh giá chính mình, cũng như chúng ta không thể thấy gương mặt của mình nếu không nhìn vào gương. Bản ngã tạo ra vô số bản ngã khác (thứ mà nó muốn người khác nhìn thấy), để từ đó nó tìm được hình dáng của chính mình trong ánh mắt của người khác. An cũng vậy, cậu ấy muốn thấy mình luôn cười. Nhưng sâu bên trong, có thứ gì đó đang đổ vỡ.

(*): Tham khảo từ sapuwa.com

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Cô Ấy Chọn Bóng Tối Để Cho Cậu Mặt Trời

Ký Ức Của Một Thai Nhi

Song sinh